Tin tức-Sự kiện
Tin tức-Sự kiện

Hãy cảnh giác để nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội (31/12/2021)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, cùng với đó là sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) phát triển theo. Bên cạnh những tiện ích mang lại cho đời sống xã hội, thì nhiều thông tin có nội dung xấu, độc, bịa đặt, sai sự thật… đã và đang xuất hiện ngày một nhiều, gây hoang mang, búc xúc dư luận. Các đối tượng xấu lợi dụng MXH để lừa gạt, lôi kéo, xuyên tạc, bôi nhọ, kích động gây rối…làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, MXH đang là “mảnh đất” màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng cho những động cơ, mục đích khác nhau.


Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.Cần Thơ, chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng của cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8 năm 2021, Thanh tra Sở TTTT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý 15 vụ việc có nội dung vi phạm, sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Các vi phạm chủ yếu của đối tượng là đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, phỉ báng lên mạng xã hội Facebook gây hoang mang dư luận, tạo cơ hội cho những kẻ xấu bám theo bình luận, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nhận diện tin giả, tin xấu độc

  Thông tin trên môi trường mạng có thể chia thành hai dạng là báo điện tử và các MXH trong nước và dạng thứ hai là thông tin được chia sẻ, đăng tải trên máy chủ có địa chỉ đặt ở nước ngoài như Facebook, YouTube... Việc đăng tải thông tin lên MXH cũng khá dễ dàng, chỉ cần một điện thoại smartphone, máy tính bảng,… là có thể quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp tới những người tham gia MXH, tạo hiệu ứng lan truyền rộng khắp. Có thể nói, thông tin trên MXH còn là cách nhanh nhất để giới thiệu, chia sẻ, giao lưu với mọi người trên phạm vi toàn cầu. MXH cũng là môi trường kinh doanh thuận tiện cho hoạt động bán hàng online, quảng cáo, tìm kiếm khách hàng,… MXH còn chia sẻ thông tin giúp báo chí có nguồn tin để khai thác và viết thành bài báo...

Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích tích cực do MXH đem lại. Tuy nhiên, không ít người đã sử dụng MXH để chia sẻ những thông tin sai sự thật, kèm theo là những bình luận, ngôn từ phản cảm, câu like, thậm chí nói xấu Đảng, Nhà nước. Những thông tin, hình ảnh được cắt ghép có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả với dụng ý xấu, lôi kéo dư luận bằng luận điệu kích động. Những vấn đề này đã và đang gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm đối với các thông tin xấu độc trên MXH không hề đơn giản. Các MXH ở nước ngoài thường liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới giúp cho việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng dễ dàng như: tính năng Livestream (truyền hình trực tiếp); messenger (quay phim, chụp ảnh, gọi điện, gọi video, nhắn tin, gửi tài liệu, hình ảnh,...); tạo nhóm kín Group để trao đổi, truyền đưa thông tin… Do vậy, người dùng cần phải thông thái để nhận biết trước những thông tin xấu độc ?

Để nhận biết tin giả, xin nêu một vài nhận dạng sau: Tin giả thường có tiêu đề khá hấp dẫn, giật gân, kèm dấu các ký tự thể khẳng định hoặc nghi vấn, để thu hút sự chú ý của người đọc. Đường dẫn liên kết chứa tin giả thường có đuôi tên miền là .com hoặc giả mạo gần giống các trang thông tin chính thống có đuôi .org dành cho tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Phần cuối trang chủ nếu có ghi thông tin về địa chỉ, chức danh, liên hệ, phản hồi của người dùng… thường khá mơ hồ, hoặc không có. Tin giả thường ít chú trọng đến cấu trúc ngữ pháp, thể thức, dễ có lỗi chính tả, khuyến khuyết về câu cú… Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc đã được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung phần tin. Nếu có thể nên kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”. Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả thường được biên soạn với định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, sự kiện có trong tin và thời gian đăng tải. Về nội dung, tin giả được tạo ra thường dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được hư cấu, suy diễn thêm cho ly kỳ, hấp dẫn, có tính thời sự cao, nhất là những tình tiết quan trọng để lôi kéo người đọc.

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì thông tin đăng tải sai sự thật, giả mạo vì những mục đích, động cơ khác nhau tiếp tục phát tán trên không gian mạng. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT cùng các Bộ, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều các văn bản để chấn chỉnh, hướng dẫn. Thanh tra chuyên ngành TTTT đã phối hợp xử nhiều vụ vi phạm, đồng thời cũng đã có các văn bản kiến nghị Bộ TTTT yêu cầu Facebook gỡ bỏ những tài khoản vi phạm pháp luật của Việt Nam, nhưng xem ra “căn bệnh” trầm kha này không mấy thuyên giảm. Đây đó vẫn xuất hiện những đối tượng vi phạm thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, trình độ khác nhau bị xử lý, gây bức xúc xã hội, đặt cho các cấp, ngành nhiều việc cùng lúc phải làm trong trước mắt cũng như lâu dài.

 

 

Phòng, chống thông tin xấu độc, người đọc cần:

1. Cần có kỹ năng chọn lọc thông tin: Thông tin xấu độc được phán tán khá phổ biến, nhưng chủ yếu ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và MXH nước ngoài như Facebook, YouTube,… Đa phần các thông tin có nội dung chống phá, xuyên tạc đường lối của Đảng, phủ nhận những thành tựu của đất nước; xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, hoài nghi lẫn nhau; truyền bá lối sống trụy lạc, xa hoa, bạo lực, lừa đảo; đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quảng cáo sai sự thật... Do vậy, để phòng, chống thông tin xấu, độc trên MXH, ngoài sự vào cuộc của các cấp,  ngành thì người sử dụng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, qua đó góp phần không lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Cần có kỹ năng cơ bản về công nghệ - thông tin: Khi trên điện thoại hoặc máy tính xuất hiện lời mời kết bạn, người dùng cần cố gắng xác định được danh tính của người đó hoặc trang, nhóm tin để trước khi chấp nhận tham gia. Đồng thời cũng nên xác định những nội dung người khác có thể xem được trên trang cá nhân của mình hoặc những nội dung thông tin người khác có thể chia sẻ với bạn. Khi thấy những đường dẫn (link) hoặc thông tin chưa được kiểm chứng thì cần bình tĩnh xem xét, không nên like hoặc share hoặc “click” vào các đường link, có thể gây mất an toàn thông tin hoặc dẫn đến những trang mạng chứa thông tin xấu, độc.

3. Cần nắm các quy định của pháp luật, để tránh vô tình vi phạm. Tiêu biểu đó là các quy định của Luật An ninh mạng, Luật công nghệ thông tin, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP và các Quy tắc về ứng xử trên MXH…. Nắm chắc được các quy định cần thiết sẽ giúp cho chúng ta an toàn hơn khi tham gia MXH và các chủ thể phát tán thông tin xấu, độc.

4. Cần rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với thông tin trên mạng. Khi tiếp cận thông tin, cần xem xét sự việc một cách khách quan, đa chiều, giữa lý luận và thực tiễn,… sẽ giúp thấu hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, qua đó thấy được mục đích sâu sa ẩn sau những câu chữ, hình ảnh, từ đó dễ phát hiện ra những thông tin xấu, độc để chủ động phòng ngừa.

5. Cần có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để cập nhật kiến thức, nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc. Trên môi trường mạng, thông tin xấu, độc có thể được tạo ra từ những tin giả hoặc thậm chí tin thật, nhưng người tạo ra lại động cơ, mục đích khác nhau, nên có những dòng bình luận để dẫn đắt người đọc theo ý đồ riêng của họ, nên rất dễ bị mắc lừa. Nếu chúng ta có chuyên môn, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội, sẽ tự tin để phản biện lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ bản than...

Mạng xã hội là thành tựu khoa học - công nghệ của loài ngưới, một kênh truyền thông mới giúp con người có thể giao lưu, chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác với nhau trên phạm vi toàn cầu. Rèn luyện kỹ năng cần thiết để nhận biết thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; không nghe, không xem, không tin, không đọc những trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử xấu, chống đối, phản động…sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế, ngăn ngừa, đấu tranh phản bác trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước, phồn vinh, hạnh phúc của mỗi con người./.


Xuân Kiên (TH)


Các tin khác:
Những điểm mới của Luật Viễn thông năm 2023  (13/05/2024)
Hội nghị tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số năm 2023, công bố Chỉ số Cải cách hành chính của cấp sở, cấp huyện năm 2023  (04/03/2024)
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2024  (29/01/2024)
Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023 và triển khai Nghị quyết nhiệm vụ năm 2024  (19/01/2024)
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024  (09/01/2024)
<<    ...  2  3  4  5  6  ...    >>